top of page
  • Writer's pictureMarvin

Kĩ năng lập luận (trung cấp) - Phần 2

Updated: Apr 22, 2019

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu kĩ hơn về tính đúng đắn và tính quan trọng trong tranh biện. Tuy nhiên, nếu như các bạn để ý, những gì mình viết ở phần một mang tính gợi mở và phần lớn nhằm giúp các bạn hình dung và đánh giá được thế nào là một lập luận tốt. Vậy thì trong phần II, chúng ta sẽ đi vào khám phá các “phương án” triển khai lý lẽ (reasoning) và ảnh hưởng (impact) một cách cụ thể để giúp lập luận của chúng ta chuẩn “SEXI” hơn.


1. Lý lẽ

a. Hai cách triển khai lý lẽ

Thường có hai cách để các bạn có thể trình bày lý lẽ, nhằm chứng minh cho luận điểm, hoặc thậm chí, một lí do nhỏ cho luận điểm đó.

  • Cách 1. Triển khai lý lẽ theo chiêu rộng – Liệt kê.


Với cách này, khi các bạn đã xác định được điều mình cần chứng minh (thường là luận điểm), bạn sẽ thực hiện việc liệt kê “n” lí do vì sao điều đó đúng. Vì sao mình lại nói là "n", mà không phải 3 hay 4?


Đó là vì đôi khi các bạn sẽ thấy một số trường hợp như sau:


Và sau đây, chúng tôi xin đưa ra BẢY lí do vì sao cha mẹ là nguyên nhân trực tiếp của việc con cái phạm pháp.

(Kiến nghị: Chúng tôi sẽ phạt cha mẹ nếu như con nhỏ (<18 tuổi) của họ phạm pháp. (Bao gồm cả phạt hành chính lẫn phạt tù, tùy theo mức độ))


(Tham khảo thêm phụ lục 1)


Một vài lưu ý nếu bạn có ý định sử dụng phương thức này để “dọa” đội bạn:

- Thời gian: Nếu bài nói của bạn chỉ có 4 phút, bạn nên giảm bớt số lí do và dành thời gian giải thích chúng thay vì chỉ liệt kê không.

- Phong cách triển khai lý lẽ theo chiều rộng một cách dày đặc thường được thấy trong luật WSDC nhiều hơn là luật Nghị viện Anh (British Parliamentary – BP). Lí do là bởi luật của WSDC, với thời gian nói là 8 phút, nhiều hơn 1 phút so với BP, cũng như có tiêu chí chấm điểm rõ ràng hơn cho từng phần (kĩ năng – phong cách – chiến thuật), thường có yêu cầu khắt khe hơn về lập luận của thí sinh, nên một số thí sinh có phong cách “overload” (xả chữ) để cho thấy khả năng lập luận chắc chắn của mình. <Nếu bạn để ý thì mặc dù trong clip trên, mọi người đang đấu bằng luật BP, nhưng người thứ nhất của phe Ủng hộ lại là HLV đội tuyển tranh biện WSDC của Anh, nên phong cách lập luận của cô thực ra mang đậm phong cách của WSDC.)

- Tất nhiên, điều này không có nghĩ là bạn không được phép “xả chữ” khi bạn thi BP. Đến cuối cùng, việc bạn cần làm là cần thuyết phục trọng tài tin vào những gì bạn nói trong 7 phút. Bạn có thể thử và đưa ra các điều chỉnh cần thiết trong quá trình luyện tập.


  • Cách 2. Triển khai lý lẽ theo chiều sâu.

Lập luận theo chiều sâu

Ở đây, bạn chỉ tập trung chứng minh cho một nhận định bằng cách đào sâu vào các nguyên gốc rễ cũng như các quá trình và hành động dẫn đến việc kết luận của bạn đúng và khả năng xảy ra rất cao.


Thường cách triển khai lý lẽ này được áp dụng trong đối với các luận điểm dạng nguyên nhân – kết quả (X à Y). Bạn sẽ cần giải thích QUÁ TRÌNH vì sao hành động hay sự việc X lại có thể dẫn đến Y. Lúc này, bộ câu hỏi “Vì sao? Như thế nào?” sẽ là một công cụ thiết thực nhất cho bạn.


Ví dụ cho loại này, các bạn có thể đọc lại trong phần Phụ lục của bài “Lập luận cơ bản”.

  • Cách 3. Trong thực tế, chúng ta sẽ sử dụng cả hai cách trên một cách linh hoạt, miễn phần lý lẽ được trình bày logic, rõ ràng và đáng tin.


b. Chứng minh thế nào thì là “đủ”?


Có nhiều bạn đi thi về hỏi mình: “Anh ơi, em cố gắng chứng minh hết sức rồi, mà không hiểu vì sao trọng tài không ghi nhận lập luận của em nhỉ?” Nếu bạn gặp được một người trọng tài có tâm (đôi khi cũng cần cả tầm nữa), họ sẽ ngồi xuống và giải thích cho bạn lỗi lập luận của bạn nằm đâu, bạn có thể sửa nó như thế nào. Những cũng không ít trường hợp trọng tài mỉm cười với bạn và nhận xét: “Tôi chưa bị thuyết phục bởi ý X này của bạn, bởi vì bạn chưa giải thích nó đầy đủ cho tôi.” Bạn cũng mỉm cười lại với trọng tài, gật đầu và ghi chép lia lại. Đến vòng sau gặp lại người trọng tài ấy, bạn lại mắc lỗi giải thích như chưa hề nghe thấy lời nhận xét trước đó của “cố nhân”.


Thực ra, vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong giới hạn của bài viết mang nhiều tính “lí thuyết” này, mình chỉ xin phép đưa ra hai phương thức để bạn dùng cho những lần lập luận tới. Còn sự hoàn hảo không đến từ lý thuyết mà là từ thực hành.

  • Phương thức 1: Xây dựng lập luận dựa trên các tiền đề hay quy luật đã được chứng minh.

Nếu như trong toán học, chúng ta hay phải chứng minh một kết luận nào đó dựa trên các “tiên đề” (premise), thì trong tranh biện, các bạn cũng có thể sử dụng các quy luật và tiền đề trong các bộ môn khoa học xã hội khác nhau để chứng minh cho các luận điểm và ý tưởng của mình.

Ví dụ, trong các kiến nghị liên quan đến kinh tế, các bạn có thể sử dụng quy luật cung - cầu để nói về giá cả và thị trường. Hay trong các kiến nghị xã hội, các bạn có thể sử dụng hiện tượng “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias) để bàn về nhận thức của con người cũng như cách một người đưa ra quyết định.

  • Phương thức 2: Xử lí chuỗi các trường hợp khác nhau (spectrum of cases)

Trong thời gian đi chấm tranh biện gần đây, mình nhận thấy các bạn debater mới thường hay có thói quen “cố thủ” tại một trường hợp (đôi khi đến mức cực đoan) mà có lợi cho phe của mình.

Ví dụ, trong kiến nghị “Nhà nước nên trả lương cho phụ nữ làm nội trợ”, đội Ủng hộ cho rằng, chúng ta nên thực hiện chính sách này, bởi vì trong các trường hợp phụ nữ làm nội trợ bị bạo hành, họ không có tiền để … bỏ trốn.

Thực chất, ý tưởng này không sai, cũng có một vài trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nếu đội Ủng hộ chỉ “cố thủ” ở một trường hợp nhỏ như vậy, tầm ảnh hưởng của chính sách chỉ tác động tới một nhóm đối tượng rất nhỏ trong số những người phụ nữ làm nội trợ. Lúc này, đội Phản đối chỉ cần đưa ra một số giải pháp thay thế để giải quyết các vấn đề cực đoan đó, sau đó đưa ra các lập luận chỉ ra tác động xấu của chính sách tới các nhóm đối tượng khác. Kết quả cuối cùng là, đội Phản đối thường sẽ giành phần thắng do có sức ảnh hưởng tới nhiều nhóm đối tượng hơn cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Vậy thì, nếu các bạn muốn có một hệ thống lập luận (case) khỏe, bản thân lập luận của các bạn phải cứng, hãy “ép” mình đặt câu hỏi để xử lí một chuỗi các trường hợp khác nhau, từ có lợi nhất cho phe của bạn, đến các trường hợp bớt có lợi hơn, và sau đó thậm chí là các trường hợp có lợi nhất cho phe của đối thủ (let’s take them at their best).

Kể cả nếu như mà (even if) phụ nữ bị bạo hành có tiền để bỏ trốn thì tại sao chúng ta vẫn nên trả tiền cho công việc của họ? Kể cả nếu như mà phụ nữ làm nội trợ không bị bạo hành, tại sao chúng ta vẫn nên trả lương? Kể cả nếu như phụ nữ được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tại sao chúng ta vẫn nên trả lương? (Xem phụ lục 2 để nghiên cứu ví dụ lập luận cụ thể)

Tóm lại, nếu như bản thân kiến nghị không giới hạn, chúng ta cần cố gắng xử lí tất cả các trường hợp khác nhau liên quan đến kiến nghị. Nếu như bạn đã nghĩ xong về một nhóm phụ nữ trong một trường hợp, hãy nghĩ thêm về những nhóm phụ nữ khác trong các trường hợp khác. Nếu như bạn đã bàn về các nước phát triển, hay nghĩ thêm về các nước đang phát triển.


2. Ảnh hưởng

- Xác định ảnh hưởng

Có ba hướng chính bạn có thể chọn để giúp lập luận của mình có sức ảnh hưởng lớn hơn.

  • Thứ nhất: Ảnh hưởng TRỰC TIẾP tới cuộc sống, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, v.v… của con người hay các quyền tự do của con người để đảm bảo những điều đó.

Ví dụ, trong lập luận mẫu về việc án tử hình sẽ giúp bảo vệ xã hội bằng cách ngăn chặn tội phạm ở bài “Lập luận cơ bản”, người nói chứng minh được tính ngăn đe (deterrence) của án tử hình, rằng những người có khả năng suy nghĩ duy lí (rational) sẽ tính toán và suy nghĩ cẩn thận về hệ quả cũng những hành động của mình, từ đó, họ sẽ không chấp nhận rủi ro mà phạm tội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chứng minh được vì sao điều này quan trọng.

Lúc này, bạn có thể nói rằng nhà nước có nghĩa vụ (obligation) quan trọng là bảo vệ tính mạng và an toàn cho người dân, đặc biệt là những người vô tội, bằng mọi cách. Và chính nghĩa vụ này là cơ sở cho cả những biện pháp khác trong quá trình xét xử và thi hành án như hình thức cải tạo (rehabilitation), chứ không chỉ là ngăn đe (deterrence).

Nếu như người nói không chỉ ra được ảnh hưởng này, phe Phản đối có thể dễ dàng chỉ ra rằng tính ngăn đe là không quan trọng so với quyền được sống của tất cả mọi người.

  • Thứ hai: Ảnh hưởng RỘNG tới nhiều người (về mặt chính trị, kinh tế, xã hội).

Ảnh hưởng về mặt chính trị: sự ổn định của hệ thống chính trị, diễn ngôn chính trị (political discourse), v.v…

Ảnh hưởng về mặt kinh tế: phát triển kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát, v.v…

Ảnh hưởng về mặt xã hội: sự thống nhất và đoàn kết trong xã hội, an ninh, v.v…


Trong một số trận tranh biện, đặc biệt là các trận tranh biện về kinh tế, người tham gia khá dễ dàng để chứng minh vì sao một số ảnh hưởng về kinh tế (như tỉ lệ thất nghiệp) hay xã hội (như sự chia rẽ trong tư tưởng của người dân) sẽ xảy ra. Tuy nhiên, với các dạng ảnh hưởng RỘNG, chúng ta lại quên mất việc “làm sâu” chúng bằng cách chỉ ra mối liên hệ giữa chúng và các ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của người dân. Ví dụ, thay vì chỉ nói lạm phát sẽ tăng, chúng ta cần chỉ ra thêm về việc giá cả của các mặt hàng thiết yếu tăng lên sau lạm phát sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân như thế nào.

  • Thứ ba: Các nguyên tắc đạo đức.

Trong tranh biện, các nguyên tắc đạo đức thường không hiển nhiên đúng, mà thường được chứng minh rằng các nguyên tắc này nhằm giúp bảo vệ trực tiếp các giá trị ở phần “thứ nhất” (cuộc sống, tính mạng, v.v…), rằng nếu chúng ta vi phạm các nguyên tắc này, cái giá phải trả sẽ là cuộc sống của những người vô tội.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nguyên tắc đạo đức này có thể được chứng minh bằng cách sử dụng phép loại suy (analogies) hay các ví dụ tương đồng.

Ví dụ, trong kiến nghị “Chúng tôi sẽ cấm phá thai”, khi phe Ủng hộ cố gắng chứng minh thai nhi cũng là con người và xứng đáng hưởng quyền được sống như tất cả những người khác, phe Phản đối có thể so sánh việc phá thai như một hành động tự vệ, giúp bảo vệ người phụ nữ khỏi cái chết, tổn thương hoặc mất đi tương lai của mình, dù có phải trả giá bằng tính mạng của đứa con trong bụng (kể cả khi chúng ta chấp nhận những đứa trẻ trong bụng đã là con người hoàn chỉnh), ví dụ trong các trường hợp như người phụ nữ mang thai vì bị hiếp dâm hay có thể chết nếu sinh con. Và nếu như các hành động tự vệ không bị xử phạt bởi pháp luật, chúng ta cũng không có quyền phạt người phụ nữ khi họ phá thai.

- Một số trường hợp bạn có thể sử dụng để làm mạnh hơn tầm ảnh hưởng của lập luận.

(1) Vấn đề nghiêm trọng – giải pháp duy nhất.

Vì sao vấn đề đội bạn đang cố gắng giải quyết trong trận tranh biện là rất nghiêm trọng, và giải pháp của đội bạn đưa ra là cách duy nhất giải quyết vấn đề này?

(2) Cơ hội cuối cùng

Vì sao nếu như chúng ta không thực hiện giải pháp của đội bạn ngay bây giờ, các sự lựa chọn trong tương lai có thể sẽ không còn?

(3) Tổn thương tới nhóm người vô tội

(4) Tổn thương tới nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương (vulnerable)

(5) Sai lầm không thể sửa chữa (ví dụ: xử tử hình người vô tội, biến đổi khí hậu, v.v…)


Lưu ý: Đến đây, bạn có thể thấy rằng bản thân phần ảnh hưởng có thể được xem như một lập luận riêng. Vì vậy, bạn cũng sẽ cần phải chứng minh và đưa thêm ví dụ, để khiến phần ảnh hưởng S-E-X-I hơn.


---------


Phụ lục 1 - Kiến nghị: Cha mẹ nên bị phạt khi con cái phạm pháp

  • Trước hết, chúng ta đều biết rằng cha mẹ được trao rất nhiều quyền đối với con. Họ được đặt tên, mua quần áo, chọn trường, lựa nơi sinh sống hay đưa ra các hình phạt khi con mắc lỗi. Đó là những điều mà học không bao giờ có thể làm với những người khác. Và ngược lại, cha me cũng cần đảm bảo con cái của họ được ăn no mặc ấm, được đi học đầy đủ, được dậy dỗ nên người.

  • Những quyền này được trao cho bố mẹ là bởi chúng ta biết rằng trẻ con là những công dân chưa có đầy đủ hiểu biết xã hội, nói cách khác, chúng vẫn còn đang trong độ tuổi trưởng thành. Một đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ thì không nên được tự đưa ra những quyết như vậy.

  • Thứ hai, chính những hành vi của cha mẹ là yếu tố quyết định tới khả năng phạm tội của một đứa trẻ. Nếu như một phụ huynh có thể đưa đón con đi học, ngồi cạnh giúp đỡ con làm bài tập, biết đưa ra hình phạt hợp lí khi trẻ mắc lỗi, nhưng đồng thời cũng biết lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành và cho đứa trẻ cảm nhận được tình yêu thương, thì khả năng cao đứa con sẽ có một tuổi thơ đủ đầy và hạnh phúc và nó cũng sẽ chả có lí do gì để ra ngoài đường phạm pháp.

Và sau đây, chúng tôi cũng xin đưa ra 7 nguyên nhân vì sao cha mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của trẻ:

  1. Cha mẹ thiếu sự quan tâm và để ý tới các vấn đề của con.

  2. Trong giáo dục gia đình thiếu vắng các nguyên tắc và giới hạn cho những gì được làm và không được làm.

  3. Cha mẹ thiếu sự ủng hộ và niềm tin vào con cái. Nếu như cha mẹ xây dựng được cho con khát vọng và sự tự tin vào bản thân mình, sẽ rất khó để một người bước vào con đường tội lỗi.

  4. Chính cha trẻ là những hình mẫu tiêu cực để con bắt trước theo.

  5. Bản thân trong gia đình có người sử dụng ma tuy và rượu thường uyên, khiến đứa trẻ càng ngày càng tò mò.

  6. Trong nhà có chứa vũ khí, từ đó tác động gián tiếp và kích thích ham muốn bạo lực của con người.

---------


Phụ lục 2 - Kiến nghị: Nên bỏ hệ thống trường tư

Luận điểm: Vì sao hệ thống trường tư cản trở công bằng xã hội và đi ngược lại các giá trị nhân văn

  • Bối cảnh: Trường học tư là các trường học dành cho con em của các gia đình có điều kiện tài chính từ khá giả đến giàu có. Với môi trường học vượt trội từ chương trình đến cơ sở vật chất, từ môi trường học với giáo viên chất lượng đến các cơ hội học tập và hoạt động ngoại khóa “đẳng cấp”, hệ thống trường học tư, đặc biệt ở các nước phương Tây, được xem như những lò đào tạo giới tinh hoa của một xã hội. Tuy nhiên, mức độ tinh hoa của bạn lại được quyết định bởi số tiền trong ví của bố mẹ bạn.

  • Vì sao điều này không công bằng? Thứ nhất, trong bối cảnh ở nhiều quốc gia, tài sản dành cho việc đầu tư cho hệ thống trường học tư nhân chính là sản phẩm được tích lũy từ các quá trình bóc lột bất công như chế độ nô lệ, thuộc địa, phân tầng giai cấp (ví dụ như chế độ caste của Ấn Độ)... Nói cách khác, chất lượng giáo dục của một nhóm “tinh hoa” một phần được xây dựng từ các hoạt động, nói trắng ra, là cướp bóc. Những người trong xã hội ở thế kỷ trước không những bị cướp tiền, cướp tài sản, cướp tài nguyên, cướp sức lao động, cướp đi những quyền cơ bản mà còn là cướp đi tương lai của một vài thế hệ sau khi hệ thống xã hội sau đó không thể thay đổi kịp để bù đắp lại. Chúng ta có thể thấy điều đó khi hệ thống trường học cho người gốc Phi tại Mỹ có chất lượng tồi tệ hơn hẳn so với các trường học khác. Hay số lượng người gốc Phi vượt trội hẳn trong hệ thống nhà tù ở Mỹ do tác động từ hệ thống giáo dục thiếu hiệu quả, đẩy họ vào con đường tội lỗi. Tóm lại, một nhóm người thành công dựa trên việc cướp bóc và đẩy nhóm khác xuống đáy xã hội không thể được coi là công bằng.

  • Thứ hai, kể cả khi việc cướp bóc này không xảy ra, hệ thống trường học tư là một tuyên ngôn chống lại chính lý tưởng về chế độ nhân tài (meritocracy) của nó. Bởi lẽ, bản chất của hệ thống trường học tư không chỉ là cạnh tranh với nhau mà còn là cạnh tranh với hệ thống trường học công bằng cách sử dụng tiền để tạo ra các giá trị riêng biệt và vượt trội. Trừ khi bạn là thiên tài, còn nếu như bạn chỉ có tiềm năng trên mức trung bình, bạn sẽ luôn thua những đứa trẻ mặc dù có ít tiềm năng hơn bạn, nhưng được đầu tư toàn diện từ bố mẹ và được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục lý tưởng mà bạn sẽ không bao giờ có cơ hội tiếp cận được. Không phải ngẫu nhiên mà các học sinh tốt nghiệp các trường tư giàu có ở Anh thường đạt được điểm A* trong các kỳ thi sát hạch; và sau đó được nhận vào các trường đại học danh tiếng như Oxford và Cambridge - nơi phần lớn sinh viên xuất thân từ các gia đình giàu có và quyền lực. Vậy thì cuộc cạnh tranh trong xã hội của chế độ nhân tài là hoàn toàn giả tưởng, khi năng lực và giá trị của bạn được xác định bởi số tiền bố mẹ bạn có, chứ không chỉ riêng bởi nỗ lực của bạn.

  • Thứ ba, kể cả khi nếu chúng ta sống trong một thế giới lý tưởng, khi mà các trường học tư nhân bỗng nhiên trở thành các cơ sở giáo dục hào phóng, cung cấp một số lượng lớn học bổng dành cho các sinh viên nghèo nhưng tiềm năng, sự tồn tại của hệ thống này, với bản chất là của sự cạnh tranh trong xã hội sẽ luôn dẫn đến hệ quả là họ sẽ khai thác lượng tài nguyên có hạn và giữ cho riêng mình, từ đó cản trở sự phát triển chung của hệ thống trường học công - hệ thống trường học đang thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội - bao gồm tất cả các trẻ em, bất kể là nghèo khó hay giàu có. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ, các trường học tư nhân sẽ luôn thu hút các giáo viên tốt nhất với mức lương cao vượt trội, đầu tư vào cơ sở vật chất đến kinh ngạc (ví dụ, một số trường ở Mỹ và châu Âu có cả sân golf cho học sinh). Cuối cùng, họ tạo ra một cuộc đua mà ở đó, những đứa trẻ của họ được sinh ra ở vạch đích. Tuyệt nhiên, họ sẽ không bao giờ trả tiền để đào tạo cho giáo viên của trường khác hay xây dựng cơ sở vật chất cho các trường công. Vậy thì đến cuối cùng, sự tách biệt giữa hệ thống trường công và trường tư sẽ luôn dẫn đến hệ quả bất công bằng giữa hai nhóm cựu học sinh của hai hệ thống này. Và lúc này, giá trị của một con người, về tổng thể xã hội, sẽ vẫn luôn được xác định bởi số tiền trong tài khoản của cha mẹ họ.

Tất nhiên sau đó, đội Ủng hô cũng cần có thêm luận điểm trình bày vì sao chính sách này có thể cải thiện môi trường giáo dục chung, chứ không chỉ đơn giản là mang lại hòa bình.

(Lưu ý: bài viết mẫu chỉ mang tính chất tham khảo, không phản ánh quan điểm của cá nhân người viết hay Xóm Tranh Biện)

4,952 views1 comment

Recent Posts

See All
69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page