ĐẰNG SAU CÁNH CỬA PHÒNG ĐẤU: NÊN NHÌN TRANH BIỆN NHƯ THẾ NÀO? (kì I)
Ba năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự nở rộ của phong trào tranh biện ở các thành phố lớn và các tỉnh lân cận ở Việt Nam. Các cuộc thi, trại hè, hội thảo tập huấn về tranh biện liên tục được tổ chức bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ sẽ luôn đi cùng với các vấn đề cũng như khúc mắc của cả những người trong cuộc và ngoài cuộc. Điển hình là một số học sinh khi muốn tham gia tranh biện đã vấp phải những e ngại và thậm chí là phản đối từ phụ huynh với nhiều nghi ngờ (thực ra hết sức hợp lí). Hay tỉ như nhiều người cho rằng tranh biện thực ra chỉ là hoạt động ngoại khóa dành cho giới “nhà giàu” hay các bạn có định hướng đi du học.
Trước khi bàn về vấn đề có nên hay không nên tham gia tranh biện, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận với nhau một điều rằng tranh biện không dành cho tất cả mọi người; dù bản thân nó có nhiều lợi ích như thế nào. Điều này cũng giống như chúng ta không thể ép tất cả mọi người tập tất cả các môn thể thao trên Trái Đất này, chỉ vì tập thể thao là tốt. À, vậy thì điều chúng ta cần tìm hiểu ở đây chính là bản chất tranh biện là gì và không là gì; từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác nhất. Các bài viết định nghĩa chi tiết về tranh biện có thể tham khảo tại đây Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan nhất, tranh biện, hay thực chất là tranh biện thi đấu (competitive debate), là một môn thể thao trí tuệ. Giống như cờ vua hay rubik, tranh biện cũng có những luật thi đấu khác nhau hướng đến các mục tiêu khác nhau. Nhưng tựu chung lại, các luật thi đấu đều hướng đến những giá trị chung mà chúng ta sẽ cùng bàn ở những phần sau của bài viết này.
Ở kì này, chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề: Tranh biện: thú vui vô bổ hay hoạt động nghiêm túc?
Đương nhiên tranh biện là phải vui. Đến ngay cả anh bạn của tôi, người từng chỉ trích nặng nề những người tham gia tranh biện “chỉ vì vui”, cũng từng thừa nhận rằng anh ta tranh biện trong một thời gian dài “vì nó vui”. Tham gia một hoạt động mà không thể tận hưởng được nó, hay ít nhất là tìm thấy niềm vui trong đó, không khác gì việc chúng ta dành thời gian bên cạnh những người luôn khiến chúng ta cảm thấy tiêu cực về bản thân và cuộc sống. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm đến một lựa chọn khác, dù chúng ta có đang gánh trách nhiệm lớn như thế nào.
Vậy thì sự khác nhau giữa “chỉ vì vui” và “vì nó vui” nằm ở đâu?
Giống như bất kì một môn học hay môn thể thao nào, chúng ta sẽ không thể đạt được những lợi ích của nó mang lại nếu thiếu đi hai chữ NGHIÊM TÚC.
Ví dụ, bây giờ bạn thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu sau khi mua một thẻ bơi ba tháng hè, bạn về nhà và kể với bố mẹ: “Bố mẹ ơi, con hãnh diện quá, con đã biết … nổi rồi. Bây giờ con sẽ đi học thêm môn lặn !?!?” Có lẽ sẽ ít có bố mẹ nào muốn trả tiền cho sự “học” như vậy cả.
Vì sao? Nếu bạn học bơi để giảm khả năng bị đuối nước khi đi biển hoặc ven sông, hồ; việc biết nổi của bạn chắc chắn không giúp bạn nhiều hơn việc tự ý thức mang phao nếu không biết bơi. Còn nếu bạn học bơi để có sức khỏe và tăng chiều cao; kết quả ba tháng đi bơi của bạn đã tự nói lên việc sức bền, hay chiều cao của bạn sẽ chẳng thay đổi bao nhiêu. Còn nếu bạn đi bơi chỉ để chứng minh mình có nhiều tiền, phải chăng đầu tư vào bồn tắm hạng sang với máy massage toàn thân sẽ là sự lựa chọn thông minh hơn? Tất nhiên, đến đây, vấn đề chỉ quay lại về sự lựa chọn của cá nhân mỗi người.
Câu hỏi đặt ra là: Thế nào là nghiêm túc?
Thực chất, với tất cả các bộ môn, có rất nhiều mức độ nghiêm túc khác nhau. Ví dụ, bạn học toán như một môn học ở trên trường sẽ khác với bạn học toán ở đội tuyển toán. Rồi bạn chọn toán làm chuyên ngành học ở đại học lại là một mức độ khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các thầy cô ở đại học vẫn thường nói với những sinh viên từng đạt giải Quốc gia rằng: “Hãy quên hào quang của quá khứ đi!”. Và cuối cùng, nếu như bạn quyết định gắn cuộc đời mình với một ngành học nào đó, việc học tập và nghiên cứu là vô tận.
Tuy nhiên, chẳng phải trong cuộc sống bình thường, chúng ta luôn phân biệt được công việc nghiêm túc và không nghiêm túc để nhận xét người khác? Bởi lẽ sẽ luôn có ranh giới phân chia rõ ràng giữa công việc nghiêm túc và thú vui vô bổ. Tương tự như vậy, tranh biện hay bất kì bộ môn nào sẽ trở thành một trò đùa nếu như người tham gia nó không có hai thứ: nhận thức và hành động.
Thứ nhất, về mặt nhận thức, chúng ta cần hiểu bất kì bộ môn nào cũng có những nguyên lí và hướng tiếp cận từ cơ bản đến nâng cao nhất định. Tùy vào mục đích, chúng ta cần xác định được sẽ học đến mức độ nào để tránh phí tiền, và quan trọng hơn là phí thời gian mà không được lợi ích đáng kể nào. Việc này chúng ta hoàn toàn có thể tìm hiểu từ những người có kinh nghiệm để giúp mình xác định. Ngoài ra, những kiến thức nền tảng ban đầu là tối quan trọng, ảnh hưởng đến việc học sau này. Chính vì vậy, khi mình bắt đầu học bất kì một môn nào dù là thể thao hay âm nhạc, mình luôn cố gắng tìm thầy có uy tín để xây những viên gạch đầu tiên thật vững. Đối với tranh biện, nếu như các bạn chưa có điều kiện mời thầy, việc chủ động tìm các nguồn thông tin đáng tin là rất quan trọng. Ví dụ như mình thấy có một số bạn đi học tranh biện ở lớp tiếng Anh nhưng bản thân các thầy cô lại không có chuyên môn về tranh biện, chưa từng đi thi đấu hay chấm ở bất kì một giải tranh biện nào. Hay các bạn tổ chức sự kiện về tranh biện cho nhiều người nhưng lại mời những người tập huấn kĩ năng không có kinh nghiệm. Việc này ngoài ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn về bộ môn và hiểu sai tính chất của nó, còn có thể để lại rủi ro về tư duy của bạn. Bởi lẽ, tranh biện không chỉ dạy bạn nói mà còn củng cố tư duy logic và tư duy phản biện, mà một khi tư duy đã thành tật (thói quen xấu) thì rất khó sửa.
Thứ hai, về mặt hành động, khi đã quyết tâm tham gia một hoạt động nào, chúng ta nên đi đến cùng. Sau khi tìm hiểu về mục đích và ích lợi của hoạt động, cũng như chọn cho mình một mục tiêu học cụ thể, hãy cố gắng theo đuổi hoạt động trong một khoảng thời gian đủ lâu. Ít nhất là cho đến khi mình thực sự hiểu bản chất của nó là gì, và nó có thực sự giúp ích cho cuộc sống của mình hay không. Trong một vài khóa học của mình, cũng có một số bạn muốn bỏ cuộc giữa chừng vì nhiều lí do khác nhau. Tuy nhiên, sau khi mình động viên các bạn ấy đi nốt quãng đường đã đặt ra ban đầu, hầu hết các bạn đều cảm thấy hài lòng bởi đến gần cuối khóa các bạn mới dần vỡ ra hết giá trị của tranh biện mang lại cho cuộc sống. Một số bạn sẽ học tiếp. Một số bạn dừng lại. Nhưng các bạn dừng lại sẽ biết được rõ hơn mình cần tiếp tục làm gì trong tương lai.
Sẽ có người hỏi: “Đi đến cùng có phải là phải đi thi hết các giải lớn không?”
Không hẳn. Mình khá tâm đắc với một cuộc trò chuyện của mình với một người chị về vấn đề học tranh biện và thi đấu tranh biện. Chúng mình đều đồng ý với nhau rằng có thể bạn không đi thi Olympic Thể hình, nhưng không có nghĩa là bạn không nên đi tập gym để giữ sức khỏe.
Điều quan trọng là khi bạn tham gia CLB tranh biện, bạn có thể thi đấu chuyên nghiệp hoặc chỉ thi đấu một vài giải không chuyên để rèn luyện kĩ năng được học trước đó, nhưng ít nhất bạn cần nhìn ra được qua trải nghiệm của mình ở CLB, bạn có điểm gì mạnh nên phát huy và những hạn chế gì cần khắc phục. Nếu như bạn đã hoàn thiện được mọi thứ hoặc đơn giản là bạn thấy được có cách khác hợp hơn để phát triển bản thân mình, bạn hoàn toàn có thể hiên ngang dừng bước và đi theo những lựa chọn khác. Ví dụ như nếu tham gia tranh biện mà bạn vẫn chưa nghiệm ra được tư duy phản biện (critical thinking) bản chất là gì và vì sao nó lại cần thiết trong thế kỉ XXI, thì có lẽ bạn vẫn chưa thực sự chưa vào cuộc một cách đủ nghiêm túc.
<còn nữa>
Tiểu kết: Phần I của DeLog đầu tiên đã hé mở một phần câu chuyện đằng sau cánh cửa của phòng thi đấu tranh biện và những lựa chọn trong việc tham gia thi đấu tranh biện.
Hãy cho chúng mình lắng nghe ý kiến, suy tư và cả những câu hỏi của các bạn về câu chuyện trên nhé!
Kì sau chúng mình sẽ bàn về sâu về vấn đề liệu tranh biện có phải chỉ là một hoạt động ngoại khoă, không liên quan đến việc học trên trường. Hãy đón xem nhé!
Comments