top of page
2011vuminh

Bốn làn sóng của phong trào nữ quyền (phần 1)

Updated: Sep 4, 2019

Tác giả: Minh Vũ và Marvin

Mình và X. học cùng lớp đại học hệ chất lượng cao. Học phí một kì cũng gần hai mươi triệu. Vậy mà X hiếm khi đi học. Nó chỉ thích đi … hát để theo đuổi ước mơ làm ca sĩ. Có lần X kể với mình nó vốn không muốn thi vào đại học ngành này, nhưng lại bị bố mẹ ép phải thi. Trong khi đó, chị gái nó, người muốn trở thành một doanh nhân, lại không được chu cấp tiền học đại học vì “con gái học nhiều làm gì” và “bố mẹ già rồi muốn sớm có cháu bế”. X bảo nó ghét bố mẹ, hay nói đúng hơn, nó thù ghét cái tư tưởng con trai phải thành đạt, con gái phải đảm đang của bố mẹ nó.

Câu chuyện trên có lẽ xảy ra không chỉ với riêng bạn tôi. Khoan bàn chuyện đúng sai, những câu chuyện thế này luôn khiến tôi có nhiều thắc mắc: Vai trò của đàn ông và phụ nữ trong cuộc sống là gì? Chúng có thực sự khác nhau?

Một thời gian sau, tôi cũng chẳng đề ý đến mấy câu hỏi đó nữa. Nhưng rồi, tranh biện xuất hiện, liên tục bắt tôi phải nói về “phong trào nữ quyền”. Vậy là những câu hỏi trên lại quay lại. Nhưng lần này, chúng mang theo thêm nhiều câu hỏi khác.

“Phong trào nữ quyền”: Cụm từ này có lẽ không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người, nhưng hiểu biết của phần lớn chúng ta còn dừng lại ở mức “Phong trào nữ quyền là các hoạt động với mục đích bảo vệ quyền và sự bình đẳng của phụ nữ”. Nhưng nó ra đời như thế nào, phát triển ra sao và đã trải qua thay đổi gì là điều mà không nhiều người biết, để ý hay tìm hiểu. Giống như các phong trào xã hội khác, các hoạt động vì nữ quyền trải qua các giai đoạn khác nhau, biến đổi liên tục. Nhận định ngày hôm qua về nữ quyền đã không còn đúng với hôm nay. Ví dụ: Liệu nữ quyền có phải là tôn vinh phụ nữ và hạ thấp đàn ông?

Tuy nhiên, để mọi người có thể có một cái nhìn tổng quát và hiểu hơn về bản chất của phong trào nữ quyền, với kiến thức ít ỏi, mình cũng xin được chia sẻ kiến thức thông qua “bốn làn sóng của phong trào nữ quyền ở các nước phương Tây”.


Làn sóng thứ nhất: quyền bầu cử, sở hữu tài sản và địa vị chính trị


Xã hội phương Tây đầu thế kỉ 19 quả thật không phải một khoảng thời gian tốt đẹp cho một nửa thế giới sinh ra là phái nữ. Tại sao ư? Nếu bạn là trót sinh ra là phái nữ trong xã hội phương Tây thời gian này, sau khi lấy chồng, danh tính của bạn sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Có nghĩa là bạn không có quyền bầu cử, cũng không có quyền sở hữu bất kì tài sản gì dưới danh nghĩa cá nhân. Ở thời hiện đại của chúng ta, điều này nghe rất “sai” với hầu hết tất cả mọi người; nhưng cũng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào nếu bạn nhớ ra rằng trong giai đoạn những năm đầu 1800, quốc hội và các vị trí nắm quyền trong chính phủ đều thuộc về nam giới, và như vậy thì những điều luật “bất công” vô cùng như trên ra đời là một kết quả tất yếu.

Phụ nữ Mỹ diễu hành qua Manhattan đòi quyền bầu cử năm 1913. Ảnh: CORBIS

Thế nhưng, may mắn thay, sự bất công này đã không tiếp tục tồn tại. Tháng 07/ 1848, hội nghị Seneca Falls về quyền phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức, kêu gọi thay đổi các điều luật phân biệt giới tính và thảo luận về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Tại buổi họp mặt, lấy cảm hứng từ “Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ, những người tham gia đã thảo ra “Tuyên ngôn của Cảm xúc”, khẳng định “Chúng tôi cho rằng những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sinh ra đã bình đẳng.” Theo sau đó là 11 kiến nghị đòi quyền được đối xử bình đẳng cho phụ nữ, bao gồm quyền được bầu cử, sau một tranh luận căng thẳng.

“Chúng tôi cho rằng những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả đàn ông và phụ nữ sinh ra đã bình đẳng.”

Tranh mô tả hội nghị Seneca Falls vào tháng 7 năm 1848. Tác giả: Bettmann Archive/Getty Images

Hội nghị được tổ chức Lucretia Mott và Elizabeth Cady Stanton, hai nhà hoạt động theo chủ nghĩa bãi nô trước đó gặp nhau bên thềm Hội nghị Thế giới về Chống chế độ Nô lệ năm 1840 tại London, nơi họ bị cấm tham gia vì là … phụ nữ.

Ở Mỹ, vào thời gian này, các hoạt động đấu tranh cho quyền phụ nữ gắn liên với phong trào bãi nô (giải phóng nô lệ). Hầu hết những người tham gia đều theo chủ nghĩa bãi nô, đặc biệt là những người phụ nữ da màu. Nhưng dần dần sau đó, phong trào được dẫn dắt bởi Elizabeth Cady Stanton and Susan B. Anthony được xây dựng chủ yếu tập trung đấu tranh cho phụ nữ da trắng.

Năm 1870, Tu chính án thứ 15 được thông qua, cho phép người da màu được bầu cử, đã châm ngòi cho phong trào đấu tranh của những người phụ nữ da trắng. Câu hỏi được đặt ra: “Chẳng nhẽ phụ nữ da trắng lại không được có quyền bầu cử trước những người đã từng làm nô lệ?” Sau đó, những người phụ nữ gốc Phi không được tham gia hoặc được yêu cầu phải đứng sau phụ nữ da trắng trong các cuộc biểu tình..

Mặc dù còn những hạn chế về việc phân biệt chủng tộc, phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ được đẩy cao cùng với các phong trào ở các quốc gia khác.

Sau một loạt các cuộc hội nghị và biểu tình khác cùng với những nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà hoạt động vì nữ quyền (Mary Wollstonecraft, Catherine Spence, Sojourner Truth,…) kéo dài hàng thập kỉ, vào năm 1893, New Zealand trở thành đất nước đầu tiên công nhận quyền bầu cử của phụ nữ, theo sau là Australia, Phần Lan, Nga, Canada và các nước phương Tây khác. Ở Mỹ, phụ nữ chính thức có quyền bầu cử sau khi Tu chính án thứ 19 được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1919 và có hiệu lực vào năm 1920.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận quyền bầu cử cũng như quyền sở hữu tài sản của mọi công dân nữ, cùng với đó là một bộ phận các vị trí quan chức trong chính quyền được đảm nhận bởi phái nữ. Đây là những thành tựu không thể phủ nhận của phong trào nữ quyền trong giai đoạn đầu tiên của nó.


Tài liệu đọc tham khảo:

  • A Vindication of the Rights of Women, Mary Wollstonecraft (1791)

  • Seneca Falls Declaration of Sentiments and Resolutions, Elizabeth Cady Stanton (1848)

  • Ain’t I a Woman? Sojourner Truth (1851)

  • Criminals, Idiots, Women, and Minors: Is the Classification Sound? A Discussion on the Laws Concerning the Property of Married Women, Frances Power Cobbe (1868)

  • Remarks by Susan B. Anthony at her trial for illegal voting (1873)

  • A Room of One’s Own, Virginia Woolf (1929)

  • Feminism: The Essential Historical Writings, edited by Miriam Schneir (1994)

Nguồn tham khảo:

  • Wikpedia

  • All about women 2018

  • Vox.com


3,225 views0 comments

Comments


69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page