Sau khoản đầu tư 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam vào cuối năm nay, Grab sẽ tiếp tục rót thêm gói đầu tư 500 triệu USD để phát triển hoạt động tại Việt Nam.
Grab, một công ty cung cấp mạng lưới vận chuyển đến từ Singapore, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014. Công ty này cung cấp dịch vụ gọi xe (bao gồm taxi và xe ôm), đặt khách sạn và giao đồ ăn. Trong đó, dịch vụ giao đồ ăn chiếm tới 20% tổng giá trị giao dịch (Gross Merchandise Value) của quốc gia - theo tờ Saigoneer.
Trong gói đầu tư tới đây, Grab dự định:
1. Mang các dịch vụ mới tới Việt Nam, bao gồm: đặt vé, bán hàng tạp phẩm (groceries), đa phương tiện vận chuyển (multimodal transport) và áp dụng phương thức thanh toán di động qua Moca - một trong những đối tác của họ.
2. Đầu tư vào các startups trong các lĩnh vực vận chuyển, công nghệ tài chính và logistics hoặc vào sự phát triển của các dịch vụ hứa hẹn cho đất nước.
3. Hợp tác với Sovico Group - một tập đoàn của Việt Nam - để phát triển dịch vụ giao hàng chặng cuối (Last-mile delivery).
Có thể thấy, việc Grab đầu tư một lượng tiền lớn như vậy vào Việt Nam xuất phát từ nhu cầu gia tăng của người dân trong nhiều mảng dịch vụ. Qua 5 năm tồn tại ở Việt Nam, Grab đã nhận được một sự ủng hộ rất lớn từ người dân địa phương. Đặc biệt trong nửa đầu năm 2019, số lượng những người dùng dịch vụ hàng tháng theo báo Nhân dân đã tăng tới 70%, kéo theo đó là lượng tiền thanh toán qua nền tảng Moca đã tăng tới 150%.
Điều này xuất phát từ việc Grab cung cấp những dịch vụ giá rẻ hơn, đảm bảo sự an toàn hơn và tiện lợi hơn đối với khách hàng. Ví dụ, Grab thông báo giá thành và danh tính của tài xế vận chuyển để tạo dựng uy tín. Ngược lại, các phương thức vận chuyển truyền thống, đặc biệt là taxi và xe ôm, đều có giá thành cao hơn và người dùng phải đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo, chặt chém.
Chính sự tin tưởng ở khách hàng cùng với nhu cầu gia tăng trong những năm gần đây là một cở sở vững chắc cho các khoản đầu tư của Grab trong thời gian tới.
Lợi ích hay tác hại?
Đợt đầu tư này của Grab hứa hẹn mang đến những lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Chúng ta có thể kể đến việc sẽ có nhiều người thất nghiệp có việc làm trong các lĩnh vực dịch vụ mà Grab đầu tư vào, khi mà chỉ riêng với dịch vụ taxi-xe ôm và vận chuyển đồ ăn trong những năm qua, công ty đã giúp hàng trăm ngàn người dân từ chỗ không việc làm có thể tự trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh vực dậy thị trường việc làm như kể trên, gói đầu tư này cũng rủi ro về việc hiện tại có quá nhiều người trẻ với kỹ năng cao lại từ bỏ việc làm để phục vụ cho Grab. Theo thống kê của tờ Tuoitrenews, một sinh viên làm xe ôm công nghệ bán thời gian sẽ kiếm được nhiều hơn rất nhiều so với việc làm gia sư, trợ giảng hay bồi bàn. Thu nhập lớn như vậy khiến nhiều sinh viên mờ mắt, quyết định biến công việc tạm thời này trở thành sự nghiệp của mình thay vì học hành, luyện tập tay nghề sở trường để dùng tiềm năng của họ cống hiến cho xã hội sau này.
Vậy khi những dịch vụ mới được mở ra, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp trong đất nước, nhưng lại phải đối mặt với nguy cơ phung phí chất xám của giới trẻ cho những công việc mà họ chưa chắc đã nên theo đuổi.
Ngoài ra, với những uy tín đã gây dựng, dịch vụ của Grab sắp tới đây hoàn toàn có thể tạo ra một cuộc sống mới tiện lợi hơn cho người dân, nhận được sự hưởng ứng từ khách hàng. Chính điều này lại gây sức ép lên các công ty dịch vụ truyền thống, khi họ phải cạnh tranh với một đối thủ mới nổi lên nhưng lại thu hút được sự chú ý của khách hàng. Và với chi phí rẻ hơn, tiện lợi hơn cũng như sự uy tín cao hơn, dịch vụ của Grab khả năng cao sẽ chiếm ưu thế. Một người lái taxi truyền thống một vài năm về trước có thể kiếm 150.000-200.000 đồng một ngày, nhưng thu nhập đã sụt giảm đáng kể khi taxi công nghệ Grab ra đời. Vậy thì không có gì có thể đảm bảo tương lai cho các công ty vận chuyển hay các dịch vụ tài chính vốn đã có từ lâu đời khi Grab bước chân vào các lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc số lượng xe hợp đồng tăng lên nhanh chóng cũng có nguy cơ cao gây tắc đường, đặc biệt là khi các xe chạy dịch vụ của Grab không có tèm và mào, khó có thể kiểm soát ở những khu vực cấm taxi và xe hợp đồng. Ngoài ra, các dịch vụ "xe công nghệ" phát triển ồ ạt với giá rẻ, cũng gây sức ép tới việc phát triển các phương tiện công cộng. Hiện nay số lượng khách sử dụng xe buýt tại các thành phố ngày càng ít, khiến cho một số tuyến xe buýt phải hủy chuyến hoặc tạm ngưng.
Và cuối cùng, dịch vụ vận chuyển đồ ăn và taxi-xe ôm được đầu tư nhiều hơn vào thời gian tới cũng là nguyên nhân chính khiến cho chúng ta lười đi. Một thống kê của trang Vnexpress đã chỉ ra: có tới 30% số người trưởng thành ở Việt Nam đang thiếu vận động thể lực, và trung bình 1 người Việt Nam chỉ đi bộ với số bước chân bằng hơn ⅓ số bước chân khuyến cáo của bộ Y tế. Vậy thì khi các dịch vụ công nghệ phát triển hơn với giá thành rẻ cũng như rất dễ dàng tiếp cận, việc chúng ta càng ngày càng lười vận động là một điều không thể tránh khỏi. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự giảm thiểu năng suất lao động, giảm chất lượng sức khoẻ và là ngọn nguồn của rất nhiều bệnh tật.
Có thể thấy, gói đầu tư sắp tới của Grab tuy rất hứa hẹn với người dân, nhưng chính phủ và chính những người Việt Nam có lẽ nên bắt đầu suy tính trước những vấn đề có thể xảy ra với sự mất mát lực lượng lao động tay nghề cao, sự yếu thế của những công ty đang hiện hành và cách để chúng ta không quá phụ thuộc vào dịch vụ công nghệ.
コメント