top of page
  • Xóm Tranh Biện

Vì sao dịch sởi bùng phát ở châu Âu?

Updated: Mar 19, 2019

Những điều cần biết về phong trào chống tiêm chủng và mối đe dọa từ nó.


05.03.2019 - Giang Lê, Marvin


Đầu năm 2018, một đợt dịch sởi đã bùng phát. Tính mạng của hơn 41000 người lớn và trẻ em bị đe dọa. Có ít nhất 37 người đã tử vong. Con số gần gấp đôi so với 23 927 ca mắc sởi của năm 2017, gấp 8 lần con số 5273 ca của năm 2016. Thật bất ngờ, điều này lại xảy ra ở chính châu Âu hoa lệ, nơi được coi là có dân trí cao bậc nhất thế giới. Điều tồi tệ là tất cả đều có thể được phòng tránh. Các em bé có thể đã không bị nhiễm bệnh. Có người có thể đã không phải chết. Nhưng mọi thứ vẫn xảy ra bởi “Phong trào chống tiêm chủng (anti-vaccine)”.

“Đó chính là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng nổ. Thật không thể chấp nhận được khi ở thế kỷ 21, chúng ta lại phải đối mặt với những căn bệnh đáng ra phải và đã có thể bị xóa sổ.” - Anca Paduraru, Ủy ban Châu Âu tại Brussels.

Phong trào chống tiêm chủng xuất hiện như thế nào?


Phong trào chống tiêm chủng (anti-vaccine) xuất hiện từ thế kỉ thứ 19 và vẫn chưa dừng lại. Những người theo phong trào này kêu gọi mọi người từ chối tiêm vắc-xin để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Họ nói rằng vắc-xin là nguyên nhân gây nên các ca tử vong ở trẻ em, ví dụ như nhiễm trùng máu khi vết tiêm bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, phong trào này đang truyền bá những tư tưởng xấu vào xã hội, cổ xúy cho việc ngừng sử dụng vắc-xin và để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.


Theo báo cáo của CDC, ở Mỹ, số phần trăm trẻ không được tiêm chủng đã tăng 4 lần trong hơn 1 thập kỉ vừa qua. Cụ thể hơn, có 47.000 trẻ được sinh vào năm 2015 (1.3% trên tổng số) chưa được tiêm chủng vào năm 2017, lớn hơn rất nhiều so với con số 0.3% của 2011. Được biết, những đứa trẻ 2 tuổi chưa được tiêm chủng rất có thể sẽ mắc những bệnh như sởi, quai bị, rubella, viêm gan B và varicella. Mới đây cũng đã có dịch sởi hoành hành ở nước Mỹ, đặc biệt là bang Georgia, và đến lúc này nhiều phụ huynh mới đưa con mình đi tiêm chủng. Lượng vắc xin sởi được sử dụng đã tăng tới 500% trong tháng 1 năm nay so với cùng kì năm ngoái. Dịch sởi lần này cũng khiến các nhà làm luật tại Mỹ soạn một bộ luật mới, bắt buộc tất cả trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng đầy đủ.


Những người phản đối tiêm vắc-xin nói gì?


Những người từ chối việc cho con mình tiêm vắc-xin (anti-vaxxers) chủ yếu bởi những nguyên do sau đây:


1. Vắc-xin gây nên bệnh tự kỉ.


Xuất hiện từ đầu những năm 90, tư tưởng này là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều phụ huynh từ chối cho con tiêm vắc-xin. Năm 1998, nhận định này được củng cố bởi “nghiên cứu khoa học” của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield, khi ông này cố gắng chỉ ra mối liên hệ giữa các loại vắc-xin phổ biến (sởi, quai bị, rubella) và bệnh tự kỉ ở trẻ em.


Tuy nhiên, hơn mười năm sau, vào năm 2011, Hội đồng y khoa của Anh đã chứng minh nghiên cứu này là dối trá. Những kẻ đứng sau nghiên cứu này được hưởng lợi từ hành vô đạo đức này. Andrew Wakefield theo đó đã bị tước quyền hành nghề y trên toàn thế giới. Vậy mà gần đây tư tưởng này bắt đầu xuất hiện lại trên các trang mạng xã hội, ngấm ngầm tạo nên sự sợ hãi toàn cầu. Ngay lập tức, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa việc “trì hoãn tiêm vắc-xin” vào danh sách 10 mối đe dọa sức khỏe nhân loại năm 2019.


2. Vắc-xin chưa thực sự được chứng minh là hiệu quả.


Vấn đề này được đặt ra do vắc-xin chủ yếu được dùng để phòng bệnh, tức là mọi trẻ em sẽ đều được tiêm phòng khi chưa mắc bệnh. Do vậy, sau đó, không ai chứng minh được rằng việc trẻ em không bị mắc bệnh có phải nhờ vào vắc-xin hay không. Tuy nhiên, hãy cùng làm một phép so sánh nho nhỏ giữa số người mắc các bệnh nhiễm khuẩn trước và sau khi mọi người đều được tiêm vắc-xin. Trước khi vắc-xin ra đời, tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, rubella, thủy đậu, ... là vô cùng cao. Ở Mĩ, vào trước năm 1963 khi vắc-xin sởi được ra đời, trung bình mỗi năm có hơn 820 người chết vì căn bệnh này, và khi có vắc-xin thì con số này đã giảm xuống còn 0 người. Chính vào vắc-xin, chúng ta đã cứu sống được 24.200 mạng người trong vòng chưa đầy 30 năm, chỉ tính riêng tình hình bệnh sởi ở nước Mĩ. Như vậy, dù cho vẫn tồn tại niềm tin rằng vắc-xin có thể không thực sự là lý do ngăn ngừa được bệnh tật, những con số về tỉ lệ nhiễm bệnh giảm đã là một minh chứng rõ ràng cho những gì vắc-xin đã làm được và là một bước tiến y học lớn không thể chối cãi.


3. Tiêm vắc-xin là để Nhà nước trục lợi.


Những người phản đối vắc-xin lập luận rằng, việc Chính phủ bắt buộc tất cả trẻ em và gia đình phải đi tiêm phòng đầy đủ chính là một cách cưỡng ép người dân, và rằng vắc-xin thực chất đang là một cách đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho kho bạc cùng những bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh giá tiền của 1 mũi tiêm vắc-xin (dao động từ 100.000 – 700.000VNĐ), chỉ cần tiêm 1 lần cho cả đời, với những loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc hiệu chữa bệnh khác (giá dao động từ 300.000 – hơn 1 triệu VNĐ tùy loại) cần sử dụng nhiều lần trong thời gian dài chưa kể còn có thể tái phát, thì có lẽ khoản tiền mà chúng ta bỏ ra để tiêm vắc-xin thực chất không hề nhiều. Và một khảo sát cũng đã cho thấy rằng top 20 những công ty dược phẩm có thu nhập hàng đầu tại Mĩ đều không phải là những cơ sở tiêm và bán vắc-xin.

Nhưng rõ ràng vắc-xin vẫn có thể gây chết người?


Tất nhiên, vắc-xin hay bất cứ loại thuốc nào sinh ra cũng đều có những tác dụng phụ không mong muốn. Vắc-xin, xét cho cùng cũng không phải là thứ thuốc thần để mong đợi có thể cứu được cả thế giới khỏi các bệnh nhiễm khuẩn. Đơn cử như ngay tại Việt Nam, đã có những ông bố, bà mẹ phải chứng kiến cảnh con mình nhiễm trùng máu, lên cơn sốt rồi tử vong ngay sau khi tiêm vắc-xin. Rồi từ đó có những suy nghĩ như cứ để cho con sống “thuận tự nhiên”, trì hoãn việc tiêm vắc-xin. Nhưng hãy nhớ rằng cũng như những loại thuốc khác, vắc-xin cũng có những tác dụng phụ, tuy nhiên tỉ lệ mắc phải là vô cùng nhỏ, chỉ rơi vào khoảng 1/10000 ca nhiễm bệnh và chủ yếu là do cơ địa của các bé quá yếu, không thể đổ lỗi do vắc-xin.


Tỉ lệ mắc các vấn đề nghiêm trọng do bệnh sởi: 1/1.000
Tỉ lệ tử vong do bệnh sởi: 1/1.000
Tỉ lệ mắc các vấn đề nghiêm trọng do vắc-xin sởi: 1/1.000.000 
Tỉ lệ tử vong do vắc-xin sởi: < 1/10.000.000

Sự phát triển, lây lan của tư tưởng, phong trào chống vắc-xin là vô cùng ấu trĩ và đi ngược lại với những tiến bộ của y học hiện đại. Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Victoria Healthcare – đồng tác giả sách “Để con được ốm” cho biết, chích ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Những người cổ súy cho anti vaccine có lẽ chưa từng thấy số phận những bệnh nhân bị những bệnh đó như thế nào.


“Phải trực tiếp chứng kiến một đứa trẻ oằn người ho gà, một đứa trẻ nằm bất động, sống thực vật vì viêm não Nhật Bản, một đứa trẻ tử vong vì bị bạch hầu dẫn đến viêm cơ tim, một đứa trẻ không cử động được vì sốt bại liệt… thì mới hiểu, vaccine có tác dụng như thế nào” - Bác sĩ Trương Hữu Khanh trăn trở.

Đã đến lúc cần hành động?


Không chỉ dừng lại ở những lời nói giải thích và phản đối, gần đây các hành động lên án, ngăn chặn phong trào chống vắc-xin cũng đang ngày một phát triển. Vào tháng 2/2019, Kênh Youtube đã tuyên bố sẽ gỡ các quảng cáo liên quan đến phong trào chống vắc-xin. Phát ngôn viên của YouTube trong email trả lời trang tin công nghệ Gizmodo cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi chính sách này một cách quyết liệt hơn nữa, và nếu tìm thấy bất kỳ video vi phạm nào thì chúng tôi sẽ lập tức hành động và xóa quảng cáo". Ngày 1/3/2019, Amazon đã bắt đầu gỡ bỏ các bộ phim về phong trào chống vắc-xin ("We Don't Vaccinate!," "Shoot 'Em Up: The Truth About Vaccines," and "Vaxxed: From Cover-Up to Catastrophe,") trên nền tảng chiếu phim trực tuyến Amazon Prime Video của mình sau một báo cáo của tờ CNN Business.


Nhìn chung, bên cạnh những nỗ lực của khoa học và báo chí về sự nguy hiểm của phong trào chống tiêm vắc-xin, chính những bậc cha mẹ cũng nên là đối tượng tìm hiểu kĩ về các mặt lợi-hại và cân nhắc cẩn thận hơn bởi chỉ một quyết định sai lầm của người lớn cũng có thể dẫn đến vô vàn hệ lụy cho cả một thế hệ về sau.


 

Nếu bạn muốn đọc tiếp các bài như trên, hãy subscribe trang blog này cũng theo dõi chúng mình trên facebook: https://www.facebook.com/xom.tranh.bien/


Nguồn ảnh: https://respectfulinsolence.com/

357 views0 comments

Comments


69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page