top of page
  • Xóm Tranh Biện

Vận động viên luyện tập... bằng video

Updated: Mar 19, 2019

Người dịch: Quốc Bình

Biên tập: Aki


Tôi thấy rất ngạc nhiên khi đến nay, hầu hết những debater mà tôi từng nói chuyện chưa từng xem một video ghi hình bài nói của họ. Khi tôi hỏi tại sao lại như vậy, họ thường nói với tôi rằng họ thấy việc đó rất xấu hổ. Là một người từng ám ảnh với bài nói của chính mình đến mức đã mua cả một cái máy quay chỉ để ghi lại các trận đấu, tôi luôn thấy việc mọi người ngần ngại xem lại video những trận tranh biện của bản thân hết sức kì lạ. Debater thường xuyên bắt huấn luyện viên, đồng đội, trọng tài và đối thủ nghe nhiều bài nói của họ trong một tuần. Và với mỗi bài nói mà một người trình bày, bình thường sẽ có từ 5 đến 15 người khác phải ngồi nghe hết bài nói đó.


Ghi hình và xem lại những bài nói của bản thân là một điều vô cùng quan trọng cho việc cải thiện kĩ năng của bạn; và tôi khuyến khích bạn nên bắt đầu làm vậy từ giờ nếu mà bạn chưa đưa việc này vào quá trình luyện tập của bản thân. Để minh họa, tôi sẽ sử dụng phép loại suy Kopitiam (quán cà phê) ưa thích của mình. Thử tưởng tượng bạn là một người bán hàng đang muốn bán món mì của mình, bạn có lẽ sẽ bảo những khách hàng tiềm năng của mình rằng mì của bạn là món mì tuyệt vời và ngon nhất, mà họ không thể tìm thấy ở đâu khác. Hãy giả sử bạn chưa từng nếm thử món mì mà bạn đang mời chào:


1. Làm sao bạn biết được nó có ngon không? 2. Làm sao bạn có thể cải thiện công thức làm mì nếu bạn không biết vị nó như nào?


3. Làm sao mà bạn nhận biết được kĩ năng chế biến mì của bạn đang cải thiện?


Bạn có lẽ sẽ tự hỏi rằng, việc nấu mì thì có liên quan gì đến tranh biện? Hơn nữa, chẳng phải chúng ta đã phải nghe bài nói của mình ngay lúc mà ta trình bày chúng trong khi tranh biện rồi sao? Tại sao mà ta lại phải xem lại video bài nói của mình để có thể nhận xét chúng? Đó là công việc của huấn luyện viên hay trọng tài trận đấu mà?


Một số phản hồi dành cho bạn:


1.Trí nhớ của con người không chính xác (không hoàn hảo)


Trí nhớ của một vận động viên về những sự việc xảy ra trong một trận đấu thường bị thiên vị và không đáng tin cậy. Những gì bạn nhớ về một trận tranh biện, đặc biệt là về bài nói của chính bạn, sẽ bị mờ nhạt bởi vì bản thân bạn không thực sự lắng nghe được những gì mình đang trình bày. Trong khoảnh khắc đầy nhiệt huyết của mình, khi mà bạn phải vắt óc suy nghĩ khi đang đứng, hy vọng có thể tập trung tất cả năng lượng tinh thần để trình bày bài nói của mình và cảm thấy vô cùng căng thẳng, bạn khó có thể để ý thật đầy đủ để mà ghi nhớ được mọi yếu tố của bài nói. Đây là lý do tại sao debater khi nhìn vào video ghi lại bài nói của chính họ thường bị ngạc nhiên bởi việc họ lắp bắp đến thế nào hay cách họ vung cánh tay của mình loạn xạ ra làm sao.

Để minh họa rõ hơn điều này, hãy thử cân nhắc về việc lời khai của nhân chứng tại hiện trường vụ án có thể không đáng tin cậy đến mức nào.


“Trong 130 vụ án đầu tiên mà Innocence Project (dự án Vô Tội) lật lại, những nhân chứng nhìn tận mắt vụ án góp 78% những lời buộc tội sai… Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc tường thuật lại của các nhân chứng, cũng như khả năng họ chọn ngay một người trong số những người cảnh sát liệt ra."


2. Cái tôi và sự thiên vị của con người vô cùng lớn

Trong thời gian chuẩn bị và đấu một trận tranh biện, khả năng cao là bạn đã đầu tư rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc cho một phe trong trận tranh biện. Kết quả là bạn rất có thể có một quan điểm thiên vị về mức độ quan trọng thực sự của những luận điểm mình đưa ra cũng như đánh giá quá cao màn trình diễn của bản thân. Đây là một trong những lý do tại sao debater (kể cả tôi) thường không đồng ý với quyết định của trọng tài khi họ thua, cho dù trọng tài thường có một góc nhìn tương đối khách quan hơn.


Đã có nhiều trận tranh biện mà tôi từng thấy mình không xứng đáng bị xử thua, để rồi lại thay đổi ý kiến đó sau khi xem lại video trận đấu vài ngày sau, lúc mà tôi đặt bớt cảm xúc vào bài nói của mình và vì thế có thể đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của chúng một cách khách quan. Bạn cũng có thể phân tích lại bài nói của mình với một người bạn để có một góc nhìn thứ ba.


3. Vấn đề về quan điểm

Trọng tài đánh giá một trận tranh biện bằng việc ngồi trước bạn và lắng nghe cẩn thận bài nói của bạn. Vì thế, góc nhìn của họ về trận tranh biện có thể và thường khác với cảm nhận chủ quan của bạn về bài nói của chính mình.

Nếu bạn đặt một chiếc máy quay ngay gần chỗ ngồi của trọng tài, bạn sẽ có được một video có góc nhìn giống với góc nhìn của trọng tài. Với tư cách là một huấn luyện viên, tôi thường khuyến khích học sinh của tôi đặt bản thân vào vị thế của trọng tài để giúp cho bài nói của họ có phong cách thuyết phục hơn và dễ theo dõi hơn; và việc ghi hình có thể đặt bạn vào vị trí của trọng tài.


Nếu bạn muốn trọng tài cho điểm bạn cao hơn, bạn cần phải tái tạo lại trải nghiệm của trọng tài đối với bài nói của mình; một video ghi hình là cách tốt nhất để nhìn và nghe chính bài nói của bạn với cách mà giám khảo dõi bài nói đó.


Có rất nhiều cách để tối đa hóa tác dụng của video để luyện tập, để đưa ra một danh sách đầy đủ các cách đó thì sẽ cần một luận văn hoàn chỉnh, mà bài viết này lại không nên vượt quá 2000 từ.

(Ở đây tôi mượn cách nói của người 1 phe ủng hộ: Thưa Tổ trọng tài, sẽ cần một luận văn hoàn chỉnh để đưa ra đầy đủ các cơ chế kiểm soát và cân bằng, mà tôi lại chỉ có 7 phút)


Trong bài viết trước, tôi đã bàn về cách debater có thể học từ những vận động viên chuyên nghiệp trong cách tiếp cận việc luyện tập. Hầu như tất cả những vận động viên/đội thể thao chuyên nghiệp đều dành một lượng lớn thời gian để phân tích video, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn trong những mục đích sau: thăm dò đối thủ, xem lại những trận đấu trước của họ, đánh giá những buổi luyện tập và phân tích từng chi tiết nhỏ trong một phút quay chậm, quan sát kĩ thuật của họ, cách sắp xếp, di chuyển, chiến thuật... với mục tiêu tìm ra những ưu thế dù nhỏ nhất. Một số vận động viên/đội tuyển thậm chí còn chi trả hàng triệu đô-la để thuê những chuyên viên chỉ chú tâm phân tích những video đó.


Trong bài viết này, tôi muốn bàn về cách mà tôi sử dụng video ghi hình những bài nói của chính mình để nhận dạng những điểm yếu mà tôi muốn giải quyết. Cho dù những gì tôi nhận ra từ việc xem lại bài nói của mình khá đơn giản, những cải thiện trong cách tôi tranh biện đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới những phần trình bày của tôi trong các giải đấu tranh biện; và tôi rất khuyến khích những người chưa từng nhìn lại bản thân tranh biện bắt đầu làm thế trong tương lai không xa. Không có một lý do hợp lí nào cho việc bạn không thể ghi hình và xem lại bài nói của bản thân khi mà phần lớn các bạn đang đọc bài viết này bằng một chiếc điện thoại thông minh có chức năng ghi hình với độ phân giải thấp nhất là HD.


Lần đầu tiên mà tôi xem lại một bài nói của mình, tôi cảm thấy rất xấu hổ, giống hệt như hầu hết các học sinh của tôi vậy. Đó là đó là cái ngày vĩ đại (ok, không hẳn) mà tôi nghĩ ra câu thần chú nổi tiếng (ok, lần này cũng không hẳn) của mình: “Nếu bạn đang bắt những người khác phải trải qua nỗi khổ của việc thường xuyên xem những bài nói của mình, bạn ít nhất nên đủ tử tế để đôi khi bắt chính bản thân trải qua nó, để bạn có thể hiểu được điều đó cảm giác như thế nào.”


Ngay lập tức, tôi xác định được 2 vấn đề rõ ràng mà cần đến sự chú ý của tôi khẩn cấp:

1) Tôi nói quá to tiếng và quá nhanh, hơn nữa bài nói của tôi chỉ ngày càng trở nên to hơn và nhanh hơn. Ở nhiều thời điểm trong một bài nói, tôi trông như đang hét toáng lên, hết hơi và thậm chí còn có vẻ như sắp mất giọng.


2) Tôi trông có vẻ như không kiểm soát nỗi cách cơ thể mình di chuyển. Tay tôi cứ vung loạn xạ giống như một nhạc trưởng hóa điên, chân tôi thì cứ di chuyển không vì một lý do gì và cứ đung đưa đến nỗi làm các trọng tài thấy chóng mặt (không phải do một lý do chính đáng).

Công bằng mà nói, đây là vấn đề mà rất nhiều những đồng đội, tiền bối và cả các trọng tài đã liên tục chỉ ra cho tôi. Nhưng những lúc đó, tôi thường không tin hay nhận ra rằng cách trình bày của mình tệ đến mức nó trở thành một rào cản ngăn tôi được điểm cao hơn và từ đó khiến đội tôi thua.


Giống như nhiều người khác, tôi đã muốn tin rằng nội dung bài nói là thứ duy nhất quan trọng, cái tôi cần học được là cách nói của tôi cũng quan trọng không kém những gì tôi định nói. Tranh biện cuối cùng thì cũng là để thuyết phục người khác.













Một trong 2 người trên trông thuyết phục hơn người còn lại.



Sau khi đã xác định được những điểm yếu trong bài nói của mình mà tôi muốn sửa chữa, vẫn còn vấn đề là làm thể nào để khắc phục. Cải thiện cách diễn đạt của mình khó hơn tôi tưởng rất nhiều. Điều đầu tiên tôi làm là cố nhắc nhở bản thân phải bình tĩnh lại và nói ở một nhịp độ và âm lượng phù hợp ở đầu bài nói, xét cho cùng, không ai mất kiểm soát và hóa điên ngay khi họ vừa bắt đầu bài nói của mình. Sau khi xem lại những video quay những bài nói đó, tôi đã nhận ra rằng những thói quen này khó bỏ hơn tôi từng nghĩ rất nhiều. Cho dù tôi đã có thể trông và nghe như một người có văn hóa trong 1 hay 2 phút đầu bài nói, tôi sẽ quay trở lại với phong cách cũ trước khi kết thúc được một nửa. Điều này thậm chí còn khiến mọi thứ tệ hơn vì cách nói bình tĩnh mà tôi thể hiện ở những phút bắt đầu chỉ khiến những phút cuối mà tôi trông và nghe như một tên dở người còn chói tai hơn.


Cách tiếp theo mà tôi thử dùng đó là nhận chất vấn ở ngay giữa bài nói và sử dụng thời gian đó để bình tĩnh lại và quay trở lại trạng thái nói bình tĩnh, tự chủ mà tôi có ở lúc bắt đầu. Việc làm này có tác dụng bắt buộc tôi phải thư giãn khi tôi nhận ra mình đang mất kiểm soát, nhưng cách này không bền vững chút nào. Xét cho cùng, việc nhận hơn 2 chất vấn trong một bài nói là vô lí và tôi cũng muốn chọn khi nào mình đủ chuẩn bị hơn để nhận chất vấn thay vì bắt buộc phải nhận mỗi khi tôi cần lấy hơi.


Sau khi xem đi xem lại video bài nói của mình liên tiếp trong vài tuần, tôi cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng tôi cần tìm cách kiểm soát hoàn toàn cách trình bày bài nói của mình. Cách mà tôi nói trong một trận tranh biện là một thói quen mà đã ăn sâu sau vài năm và mọi cố gắng để cải thiện nó một cách từ từ không hề hiệu quả như tôi đã tưởng. Tôi cần phá vỡ cái thói quen hét to và nhanh hết sức có thể và tôi muốn bằng mọi giá thay đổi hoàn toàn cách diễn đạt của mình.


Những gì tôi làm sau đó biến tôi thành trò cười trong hai tháng tiếp theo. Vì quá chán nản với việc quay trở lại với những thói quen cũ mỗi lần tôi cố thay đổi, tôi quyết định khiến việc nói như một kẻ điên trở nên không thể. Việc ngăn cho chân tay tôi khỏi vung loạn xạ khá là đơn giản. Tôi cố gắng bỏ tay vào túi và giữ vững chân mình trên sàn nhà. (Tôi thậm chí đã tính đến việc đặt hai chân vào trong 2 cái hộp nhưng may cho tôi là việc đứng yên không khó đến vậy).


Việc khiến cho tôi không thể nói quá to và quá nhanh, mặt khác, cần nhiều sự sáng tạo và thiên tài hơn (cho dù lúc đó nó có vẻ vô cùng ngớ ngẩn). Khi còn chơi đàn dương cầm, tôi từng sử dụng máy nhịp để chắc chắn rằng tôi sẽ chơi ở một tốc độ nhất định. Bởi tôi muốn khiến cho việc nói nhanh trở nên không thể, tôi đã sử dụng máy nhịp cho mỗi bài nói của mình giống như đang ngâm một bài thơ Hy Lạp năm âm tiết (iambic pentameter) vậy. Nếu bạn không biết thể thơ đó là gì thì tôi gợi ý bạn tra Google để hiểu được việc trình bày một bài nói như thế sẽ ngớ ngẩn như nào.




Chiếc đập máy nhịp khiến việc tăng tốc trong bài nói của tôi trở thành không thể, với một tác dụng phụ nguy hiểm là khiến tôi nghe như người máy. Một khi tôi bị ép phải nói ở một tốc độ đều và chậm, việc giữ âm lượng bài nói ổn định trở nên khá dễ dàng. Nếu bạn đã từng thử nói một cách chậm rãi ở tốc độ của cái máy đánh nhịp, bạn sẽ hiểu được rằng việc nói to thực ra lại rất khó. Đương nhiên là các đồng đội của tôi luôn bật cười trước cảnh đó và họ sẽ sáng tạo ra mấy trò đùa về việc tôi từng trông dở hơi như nào nhưng giờ thì tôi đã thực sự hóa điên.


Trong suốt một tháng, tôi kiên trì với cách nói như trên, và có duy nhất một lý do tại sao tôi không bỏ cuộc dù có bao lời mỉa mai. Khi tôi xem lại những bài nói của mình, tôi đã có thể thấy tôi đã, lần đầu trong sự nghiệp tranh biện của mình, thành công trong việc kiểm soát được cách diễn đạt bài nói của mình. Tôi đã thử nghiệm cái kế hoạch ngu ngốc (harebrained) này vì tôi nghĩ mình có thể căn chỉnh cách nói kiểu người máy khi mà tôi kiểm soát được và nói ở một tốc độ và âm lượng phù hợp (dù đều).


Ngạc nhiên là, tôi đã đúng.


Chậm rãi nhưng chắc chắn, tôi bỏ tay ra khỏi túi, cho phép bản thân di chuyển nhiều hơn một chút, tăng âm lượng để nhấn mạnh một số phần của bài nói, và khi mà tôi thấy hài lòng với video của mình, tôi không sử dụng máy nhịp nữa. So sánh video gần nhất với cái video đầu tiên mà đã khiến tôi khiếp sợ, tôi biết là cuối cùng mình đã thành công.


Không lâu sau đó, lần đầu tiên tôi giành danh hiệu top 10 người nói xuất sắc nhất trong một giải đấu. Tất cả những điều đó sẽ không bao giờ có thể trở thành hiện thực nếu tôi chưa từng nhìn vào một video của bài nói của mình.


Nguồn: Alfred Goh - EhPriori

Link: https://ehpriori.com/home/2017/12/15/fg04wue8miyp5c663gkfvwe7tusg48

1,016 views0 comments

Recent Posts

See All

Commentaires


69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page