top of page
  • Xóm Tranh Biện

Vận động viên không luyện tập bằng cách đấu tập

Updated: Mar 19, 2019

Người dịch: Aki Biên tập: Marvin


Nếu bạn thử tra Google kế hoạch luyện tập của bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào, bạn sẽ bất ngờ bởi số lượng lớn thành viên trong đội ngũ huấn luyện và chế độ luyện tập vô cùng phức tạp. Đội ngũ huấn luyện này thường bao gồm tối thiểu một chuyên gia vật lý trị liệu, một chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia phân tích tâm lý, dữ liệu/video, huấn luyện viên thể lực và một nhóm huấn luyện viên có chuyên môn về tất cả các khía cạnh kĩ thuật của môn thể thao đó. (Tấn công, phòng thủ, chuyền bóng, xử lý tình huống…)


Đoàn huấn luyện của đội bóng đá Liverpool bao gồm

  • Quản lý

  • Huấn luyện viên phát triển 1

  • Trợ lý huấn luyện viên 1

  • Trợ lý huấn luyện viên 2

  • Huấn luyện viên thủ môn 1

  • Quản lý tuyển dụng

  • Người lựa chọn chính

  • Phụ trách kỹ thuật thể hiện

  • Quản lý nhóm dưới 21 tuổi

  • Chuyên viên vật lý trị liệu 1

  • Chuyên viên vật lý trị liệu 2

  • Chuyên viên mát xa 1

  • Chuyên viên mát xa 2

  • Huấn luyện viên phục hồi thể lực

  • Cố vấn khoa học thể thao

  • Cố vấn dinh dưỡng

  • Trợ lý thể lực và hồi phục

  • Chuyên viên trị liệu thể thao

  • Phụ trách thể lực

  • Trợ lý quản lý học viện

  • Phụ trách học viện phát triển phân tích


Đa số các môn thể thao thi đấu là những trận đấu hơn thua với các khoảng cách vô cùng nhỏ, nơi mà những đấu thủ dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày chỉ để tối ưu hóa từng kỹ năng của mình, điều kiện tâm lý và thể lực để có thể tạo được một chút ưu thế hơn những người khác. Bởi vì sau cùng, một chút lợi thế thôi cũng đã có thể tạo ra sự khác biệt giữa những người giỏi nhất, tỏa sáng trong danh vọng, tiền bạc và những người chỉ trên trung bình, sớm bị rơi vào lãng quên.


Nếu bạn hỏi hầu hết debater rằng kế hoạch tập luyện của họ trông như thế nào, đa số sẽ cho bạn câu trả lời tương tự: chuẩn bị, đấu, giải đề, sửa sai rồi lặp lại. Nếu bất cứ vận động viên của một môn thể thao nào đó nói rằng kế hoạch tập luyện của họ chỉ là “đấu càng nhiều trận đấu càng tốt”, thì họ sẽ bị cười nhạo. Thế mà đó lại chính là những gì các debater thường xuyên làm.


Đấu tập và nghe nhận xét tất nhiên là một phần không thể thiểu của bất cứ kế hoạch luyện tập cho bất cứ vận động viên nào, nhưng đó hầu như luôn là phần ít tốn thời gian nhất trong kế hoạch của họ. Mỗi giờ thi đấu luôn đi cùng với hàng giờ phân tích các video, luyện tập các kỹ năng và tối đa khả năng thể lực và tâm lý của mình. Có những bài luyện tập vô cùng kỳ lạ, người ngoài nhìn vào tưởng chừng chẳng liên quan. Giống như là Stephen Curry - Vận động viên Đáng giá Nhất của NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) tập tâng bóng tennis.





Hầu hết các câu lạc bộ tranh biện không dành nhiều thời gian cho các hoạt động khác ngoài đấu tập. Và đối với tôi đó là một cách rất thiếu hiệu quả bởi những lý do sau:


Trừ khi bạn có những huấn luyện viên hay trọng tài hàng đầu, bạn sẽ chẳng có được mấy lời nhận xét có giá trị đâu. Nếu những thành viên trong CLB được xoay vòng làm trọng tài, bạn càng dễ dàng rơi vào trường hợp “thằng mù lại dắt thằng mù”.


Một trọng tài thiếu kinh nghiệm không những có thể đưa ra kết quả không chính xác với những lý do tùy tiện; hay tệ hơn là đưa ra những nhận xét không hợp lý, có thể gây hại tới khả năng của debater bằng cách cổ súy cho những thói quen xấu.


Thói quen rất khó để thay đổi. Trong những tình huống căng thẳng, như là trong các giải đấu tranh biện, chúng ta thường trải qua hiện tượng thường được các nhà tâm lý học gọi là “fight or flight” (chống trả hoặc bỏ chạy). Hiểu một cách đơn giản, những lúc như vậy chúng ta sẽ trải nghiệm sự khó chịu do căng thẳng, và có mong muốn dữ dội là được cảm thấy thoải mái.


Trong những trường hợp này, bản năng của chúng ta sẽ lấn át, chúng ta quay lại với những phương pháp và thói quen đã được thử-và-kiểm-tra - những gì đã thành bản năng đã được khắc ghi qua thời gian. Cũng giống như một vận động viên tennis không phải suy nghĩ và xem xét kỹ lưỡng mỗi lần tung ra từng cú đánh, debater cũng không có thời gian để nghĩ được ra cụ thể mình phải nói gì dưới áp lực thi đấu, đặc biệt là với những trận có rất ít thời gian chuẩn bị.


Trong những trường hợp đó, nếu chúng ta đã có những thói quen xấu hình thành qua thời gian, bị lặp đi lặp lại qua những trận đấu tập, chính phương pháp này sẽ làm hại chúng ta. Ví dụ, các vận động viên chơi những môn thể thao sử dụng vợt thường chịu chấn thương ở khớp và cơ do những cú đánh và tư thế không hiệu quả. Tương tự, vận động viên NBA khi nhảy lên quá nhiều lần trong một trận đấu mà không học kỹ thuật hạ đất thì sẽ có thể chịu những chấn thương khủng khiếp do áp lực lặp đi lặp lại lên khớp chân.




Trong những trường hợp này, việc luyện tập thường xuyên những thói quen xấu sẽ làm ta bị chấn thương, thay vì giúp ta.


Kể cả trong trường hợp lý tưởng nhất, với những huấn luyện viên hay trọng tài xuất sắc nhất chỉ cho bạn điểm mạnh và điểm yếu của bạn ở đâu, họ cũng khó có thể khắc phục các vấn đề của bạn.


Giả sử như một trọng tài có kinh nghiệm chỉ ra rằng bạn phải phản biện tốt hơn. Họ có thể chỉ ra được tại sao những phản biện của bạn lại yếu và gợi ý rằng bạn nên phản biện thế nào, thậm chí có thể giới thiệu cho bạn những video của các debater hàng đầu thế giới mà bạn có thể học theo. Nhưng họ khó có thể giúp gì được cho bạn trong thời gian ngắn để bạn có thể thực sự nâng cao khả năng phản biện của mình.


Hãy thử xem xét một ví dụ về thể thao sau đây: dù tôi có xem Stephen Curry ném một cú bóng 3 điểm hay Cristiano Ronaldo đá một cú tự do bao nhiêu lần đi chăng nữa, không có điều diệu kỳ nào sẽ giúp tôi hấp thụ được năng lực của họ cả. Kể cả tôi có biết chắc là tư thế ném bóng của tôi rất tồi, nhìn ai đó giỏi hơn ném không thực sự giúp tôi ném khá hơn. Trong khi đó điều tôi cần trong trường hợp này là tập ném bóng thật nhiều, và khắc phục từng chi tiết nhỏ, và hy vọng có một huấn luyện viên giỏi để hướng dẫn từng chút một.




Trong thực tế, việc thuê những huấn luyện viên này tốn rất nhiều tiền và vượt ngoài khả năng của đa số mọi người. Kể cả CLB hay cộng đồng tranh biện của bạn có chi hàng trăm hay hàng ngàn đô mỗi tháng để thuê một huấn luyện viên, vấn có những vấn đề như bạn sẽ không được nhận sự quan tâm và chú ý mà bạn cần.


Có một vài nguyên nhân cho điều này:


1. Kỳ vọng của học viên

Đa số mọi người tham gia một cộng đồng tranh biện để họ có cơ hội tham gia đấu tranh biện. Tranh biện thực sự rất vui và có phần dễ gây nghiện, vậy nên nhiều người mới đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào hoạt động này đến thế. Một trận tranh biện có thể đem lại cảm giác hứng thú và hồ hởi rất đáng tận hưởng, và những debater thường mong chờ tới những trận đấu tập để so tài với nhau.


Kết quả là, đa số các cộng đồng và huấn luyện viên tranh biện thường cho học sinh và các thành viên của mình đấu tập để khiến họ thấy vui. Nếu debater được chỉ cho rằng các buổi luyện tập chỉ có ngồi xem video tranh biện, tập viết phản biện và nộp bài làm của mình để huấn luyện viên chấm điểm và sau đó ngồi vài tiếng nghe huấn luyện viên nhận xét, nhiều debater sẽ cảm thấy mất hứng thú với bộ môn này.


2. Quy mô lớn của các CLB

Các CLB tranh biện thường được các trường cung cấp quỹ hoạt động. Điều này nghĩa là họ cần có một số lượng thành viên nhất định để thuyết phục nhà trường cấp quỹ cho họ. Đồng thời tranh biện là một môn thể thao đồng đội, vậy nên mỗi CLB thường phải có 6-8 thành viên mỗi kỳ để duy trì hoạt động. Hơn nữa, sự khác biệt về tuổi và kỹ năng của các bạn chuyên về vị trí nói khác nhau sẽ khiến cho việc đưa ra một kế hoạch huấn luyện hiệu quả mà vui vẻ cho tất cả mọi người là rất khó hoặc thậm chí gần như không thể.

3. Giới hạn về thời gian

Tranh biện rất tốn thời gian. Từ 15-60 phút chuẩn bị, 1 tiếng cho mỗi trận đấu, 15 phút để trọng tài suy nghĩ và đưa ra kết quả và 30 phút nhận xét và giải thích kêt quả; mỗi trận tranh biện có thể kéo dài 2-3 tiếng. Không như các môn thể thao đồng đội khác, với những người chơi đều được lên sân cùng một lúc, thì chỉ có một debater được trình bày tại một thời điểm nhất định. Điều này nghĩa là trong vài giờ, mỗi người chỉ được nói 6-8 phút.


Một thách thức nữa đối với việc huấn luyện tranh biện đó là mỗi học sinh lại cần có được những lời nhận xét riêng, và lời nhận xét cho người này có thể không hữu ích với những người khác. Từ tất cả những yếu tố đó, các HLV (thường chỉ có khả năng tổ chức các buổi tập 1-2 lần/tuần) phải thiết kế buổi tập xung quanh các hoạt động chuẩn bị, đấu tập, chữa đề để học sinh có đủ thời gian thực hành cũng như nhận ra các vấn đề bản thân cần giải quyết thông qua phần nhận xét.


4. Huấn luyện viên không biết được nhiều hơn

Đa số các huấn luyện viên tranh biện là những cựu thành viên của những CLB - nơi mà tất cả những gì họ làm là đấu tập. Kết quả là, phương pháp luyện tập này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ cũng không có lý do gì để thay đổi phương pháp luyện tập vì nhu cầu cho huấn luyện viên có đủ kỹ năng và kinh nghiệm vượt xa nguồn cung. Hơn nữa, đa số những huấn luyện viên được huấn luyện bởi các thế hệ trước cũng cho họ trải nghiệm qua công thức: chuẩn bị, đấu tập, giải đề, và quay lại bước đầu.


Tới năm thứ 3 tham gia tranh biện tại trường mình, CLB của tôi đã gặp một khủng hoảng lớn. Tất cả các anh chị khóa trên đã tốt nghiệp và khóa dưới thì bỏ CLB, vậy là CLB chỉ còn 2 người - tôi và người đồng đội hay thi BP chung. Lúc đó tôi không hề nhận ra, tình huống ấy lại là một điều may mắn, bởi những tháng luyện tập sau đó là những tháng ngày căng thẳng và hiệu quả nhất tôi từng trải qua. Và thực tế là cả hai chúng tôi đã đạt được sự bứt phá trong sự nghiệp tranh biện của mình. Thậm chí , khi năm học mới bắt đầu và chúng tôi tuyển thêm thành viên mới, chúng tôi nhớ cách luyện tập của mình tới mức phải dành riêng ra những buổi luyện tập cho mình


***

I. Phương pháp luyện tập thứ nhất: Một đấu một

Trong những tháng ngày thiếu thành viên, chúng tôi đã thử nhiều phương pháp luyện tập khác nhau, một trong số đó tôi vẫn dùng tới bây giờ và truyền lại cho học sinh của mình. Trong những buổi đầu tiên, chúng tôi luyện một loạt những bài nói của PM và LO (hai lượt nói đầu của hai phe Ủng hộ và Phản đối theo luật BP), và bạn có thể nhận ra nó không khác mấy với công thức chuẩn bị - đấu tập - giải đề. Sự khác biệt là, chỉ tập lượt nói PM và LO cùng với việc chỉ ra những khuyết điểm của nhau tốn ít hơn 1 tiếng, và trong 3 tiếng thì chúng tôi xong được 3 trận tranh biện, như vậy là tương đương 1 ngày đi đấu giải rồi.

Ban đầu, chúng tôi đã lo rằng việc này không thể thay thế được việc đấu tập 1 trận hoàn chỉnh, nhưng chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng chúng tôi đã có những tiến bộ nhanh chóng trong phần trình bày của mình. Về cơ bản, nó giống như là chúng tôi đã mắc kẹt trong căn phòng thời gian của Dragonball vậy. Thay vì dành 3 tiếng trong một trận tranh biện mà chúng tôi chỉ nói 7 phút và thời gian còn lại ngồi nghĩ POI (câu hỏi chất vấn), thì chúng tôi đã dành ra hàng giờ đồng hồ luyện tập chỉ chuẩn bị một mình, đấu với nhau và chỉ ra khuyết điểm của nhau. Không cần phải giải thích thêm, những buổi tập này cực kỳ căng thẳng và có nhiều tương tác, nhưng là một cách tuyệt vời để luyện tập.


Đây là 3 lý do tại sao:

1. Tập trung

Đấu tập cả một trận giống như chơi những trận đấu giao hữu, chắc chắn sẽ giúp bạn chuẩn bị cho giải đấu bằng cách mô phỏng các trận đấu thật sự. Trong khi đó đấu tập 1-1 hiệu quả hơn nhiều khi luyện tập một vài kỹ năng nhất định, ví dụ như khả năng chuẩn bị và xây dựng hệ thống luận điểm.


2. Vòng lặp nhận xét

Nhận xét và những bài học từ lần tập đầu có thể được áp dụng ngay vào lần sau, và bạn có thể thấy ngay bài nói sau của mình có khác gì bài nói trước. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn chờ tới tận buổi tập sau khi mà trí nhớ của bạn về buổi trước đã mờ nhạt đi nhiều.


3. Giữ tương tác

Sau mỗi lượt đấu PM-LO, chúng tôi cùng nhau xem lại video bài nói của mình và nhận xét về những gì mình thấy tốt và những gì cần khắc phục. Điều này đảm bảo rằng chúng tôi luôn phản hồi và thách thức lẫn nhau trong suốt buổi luyện tập. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị một mình, không dựa dẫm vào đồng đội, nhận xét kỹ càng về bài nói của nhau trước khi thảo luận về những luận điểm và vấn đề chính của chủ đề. Điều này giúp chúng tôi luôn tương tác với nhau và giúp cho buổi tập hiệu quả hơn, so với một trận đấu tập khi mà mọi người đều dễ dàng lơ là ngay sau lượt nói của mình hay khi trọng tài đang nhận xét những người khác.


II. Phương pháp luyện tập thứ hai: Tự đưa mình vào một video trận đấu

Sau vài tuần tập một-đấu-một, chúng tôi đã thấy mình tiến bộ hẳn trong kĩ năng chuẩn bị, xây dựng hệ thống lập luận và phát triển lập luậncủa mình. Tuy nhiên, có một vấn đề nhỏ: vì chỉ có 2 người, chúng tôi không luyện tập được các vị trí khác ngoài người 1. Chúng tôi muốn tập cả các lượt nói sau, nhưng gần như không gọi ai đến đấu tập cùng mình được. Vậy là, chúng tôi đành tự đưa mình vào những trận đấu dựa trên những video mà chúng tôi đã xem.


Vậy là chúng tôi chuẩn bị một kiến nghị dựa trên một video của những debater hàng đầu thế giới. Chúng tôi chuẩn bị 15 phút, giả vờ mình là CG hay CO và sau đó xem thử nửa đầu của trận tranh biện, trước khi bắt đầu lượt nói Gov Member hay Opp Member của mình. Rồi sau đó chúng tôi sẽ xem lại bài nói member trong video đó như thế nào và so sánh bài nói của chúng tôi với những debater hàng đầu thế giới.


Chúng tôi nhận ra rằng phương pháp này thực sự hiệu quả vì nó cho chúng tôi không chỉ cơ hội thách thức bản thân mình với những người xuất sắc nhất trên thế giới, mà thậm chí còn không tốn một đồng nào. Phần lớn việc làm trọng tài và huấn luyện đó là chỉ ra những gì debater có thể làm được tốt hơn, và những video debate hàng đầu là một sự thay thế tuyệt vời cho những huấn luyện viên hay trọng tài đẳng cấp thế giới.


III. Phương pháp luyện tập thứ ba: Tranh biện ở mọi vị trí

Đây là một sự kết hợp giữa phương pháp 1 và 2


Trước hết, tôi và đồng đội của tôi, mỗi người sẽ chọn 1 phe trong trận đấu, giả sử tôi ở phe Ủng hộ. Tôi sẽ chuẩn bị và thực hiện một bài nói của PM, sau đó chúng tôi sẽ xem thử bài nói PM trong video đó và so sánh tôi đã làm tốt hay chưa tốt thế nào. Sau đó đồng đội của tôi sẽ thực hiện một bài nói LO phản hồi lại PM trong video kia. Sau đó chúng tôi cùng xem bài nói LO trong video và so sánh. Sau đó tôi sẽ thực hiện một bài nói DPM phản hồi lại LO trong video và tiếp tục tương tự tới khi hết các lượt nói.


Nghe có vẻ như chúng tôi sắp bị hoang tưởng rồi và cực kỳ đáng thương ấy. Nhưng khi đã quen với phương pháp này, thì nó cũng… không tệ lắm. Một mình mình thực hiện 4 lượt nói ở mỗi phe và phản hồi lại 4 debater đẳng cấp thế giới thực sự rất căng thẳng và mệt mỏi, nhưng điều đó ép chúng tôi phải quen với tình huống căng thẳng, sáng tạo hơn với những luận điểm của mình và phát triển “trí lực” cho những giải đấu lớn với hơn 10 vòng đấu. Về sau chúng tôi dùng phương pháp này cho những kiến nghị và chủ đề mà chúng tôi không quen, và thực sự là không có cách nào tốt hơn để có thể phát triển kiến thức ở một chủ đề nhất định ngoài việc một mình mình tự đấu hết cả 4 lượt nói Ủng hộ hay Phản đối.


Nếu tất cả những điều này nghe thật điên rồ, thì đó là bởi vì nó thực sự điên rồ. Tôi sẽ khuyến khích bạn bắt đầu làm quen với các lượt nói đầu trước.

<còn nữa>


Nguồn: Alfred Goh - Eh Priori

1,626 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page