top of page
  • Xóm Tranh Biện

Explainer - Thỏa thuận hạt nhân Iran và tổ chức IAEA

Updated: Mar 1, 2021

Bài viết này nằm trong chuyên mục "Explainer", hướng tới chia sẻ kiến thức nền về các chủ đề thường gặp trong tranh biện. Đây cũng là bài viết đầu tiên trong loạt bài Explainer về chủ đề Quan hệ quốc tế (International Relation) của Xóm.

Thỏa thuận hạt nhân Iran là gì?


Thỏa thuận hạt nhân Iran (Iran Deal), chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được giữa Iran và một số cường quốc trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, vào tháng 7 năm 2015. Dựa theo các điều khoản được đưa ra, Iran sẽ dỡ bỏ phần lớn chương trình hạt nhân của mình và đồng ý để các cơ sở nghiên cứu bị đặt dưới sự giám sát của các cuộc thanh tra quốc tế. Đổi lại, Iran sẽ được giảm nhẹ các hình thức xử phạt kinh tế đã đè nặng sự phát triển của đất nước bấy lâu nay.


Tại sao lại có thỏa thuận hạt nhân Iran?


Nhóm P5+1 (bao gồm có Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Đức) muốn ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran đến mức, nếu Iran muốn chế tạo một quả bom nguyên tử, thì sau thỏa thuận này, sẽ mất ít nhất 12 tháng hoặc hơn; tức là đủ thời gian để các cường quốc có thể phản ứng kịp thời và có các biện pháp đối phó.


Ngược lại, các chuyên gia cho rằng, nếu hiệp định Iran không được ký kết thì đất nước này sẽ chỉ cần 2 tới 3 tháng để thành công cho ra một quả bom nguyên tử.


Hơn nữa, các quốc gia trong cuộc đàm phán lo ngại rằng việc Iran trở thành một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đẩy khu vực lân cận vào một cuộc khủng hoảng mới.


Nội dung chính trong hiệp định hạt nhân Iran


Về phía chính phủ Iran:


  • Hạn chế vũ khí hạt nhân: Iran đồng ý sẽ không sản xuất Uranium hay Plutonium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran cũng đảm bảo các cơ sở Fordow, Natanz và Arak của mình chỉ theo đuổi việc phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự, bao gồm cả nghiên cứu y tế và công nghiệp.

  • Giám sát và xác minh: Iran đã cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc toàn quyền giám sát (mà không có sự ràng buộc) các cơ sở hạt nhân của nước này, kể cả những khu vực chưa khai báo. Các cuộc thanh tra này nhằm mục đích đề phòng việc chính phủ Iran phát triển hạt nhân một cách bí mật. IAEA đã ban hành các báo cáo hàng quý cho hội đồng thống đốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận của Iran.


Về phía các quốc gia đã ký kết:


  • Giảm nhẹ sự trừng phạt: EU, Liên hợp quốc và Hoa Kỳ đều cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân đối với Iran. Tuy nhiên một số lệnh trừng phạt liên quan tới tên lửa đạn đạo của Iran, việc Iran hỗ trợ các nhóm khủng bố và vi phạm nhân quyền vẫn giữ hiệu lực.

  • Cấm vận vũ khí: Các bên nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm hiện tại của Liên hợp quốc đối với việc Iran chuyển giao vũ khí thông thường và tên lửa đạn đạo sau 5 năm nếu IAEA xác nhận rằng Iran chỉ tham gia vào hoạt động hạt nhân dân sự.


IAEA là gì và đóng góp của IAEA trong hiệp định hạt nhân Iran


Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là diễn đàn liên chính phủ trung tâm của thế giới về hợp tác khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân. IAEA hoạt động vì việc sử dụng khoa học và công nghệ hạt nhân một cách an toàn, bảo mật và hòa bình, đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.


Vai trò của IAEA trong việc giám sát các cơ sở phát triển bom nguyên tử của Iran như sau: “Để thiết lập và quản lý các biện pháp bảo vệ được thiết kế để đảm bảo rằng các vật liệu phân hạch và những nguyên liệu , dịch vụ, thiết bị, phương tiện và thông tin khác do Cơ quan cung cấp hoặc theo yêu cầu của Cơ quan hoặc dưới sự giám sát hoặc kiểm soát của Cơ quan không được sử dụng theo cách để tiếp tục mục đích quân sự. ”


Tình hình hợp tác giữa các quốc gia sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua


Vào những buổi đầu của hiệp định hạt nhân Iran, sự hợp tác và cam kết giữa các nước liên quan diễn ra khá trôi chảy. Đầu năm 2016, IAEA chứng nhận rằng Iran đã đáp ứng các cam kết sơ bộ của mình; và EU, Hoa Kỳ và Liên hợp quốc đã phản ứng bằng cách bãi bỏ hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt của họ.


Tuy nhiên vào năm 2018, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và khôi phục các lệnh trừng phạt lên ngân hàng và dầu của Iran. Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận đã thất bại trong việc giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và cuộc chiến ủy nhiệm của nước này trong khu vực. Ông tuyên bố rằng các điều khoản có thời hạn sẽ cho phép Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân trong tương lai.


Các hoạt động về hạt nhân hiện tại của Iran

  • 2019: Iran bắt đầu vượt quá các giới hạn đã thỏa thuận đối với kho dự trữ uranium và bắt đầu phát triển các máy ly tâm mới để đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium

  • 2020: Sau khi một đại tướng của Iran, Qasem Soleimani, bị giết bởi Hoa Kỳ, chính phủ Iran đã tuyên bố rằng họ sẽ không còn giới hạn sự sản xuất Uranium nữa.

  • 2021: Iran tuyên bố sẽ đặt ra những hạn chế mới đối với khả năng của IAEA trong việc giám sát các cơ sở hạt nhân của họ. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saeed Khatibzadeh cũng đã nói rằng: "Tất cả những hành động này của Iran đều có thể được đảo ngược nếu các thành viên của hiệp định này tôn trọng nghĩa vụ của mình và làm theo những gì đã thỏa thuận."

Nguồn tham khảo:


428 views0 comments

Comments


69525918_956089271416585_446639616109104
bottom of page